Tin tức

Trước trận Việt Nam - Indonesia: Ai thay, thay ai?

Đánh giá (6/2)
Facebook Twitter Google Myspace
Dùng ai, bỏ ai khó có thể thay đổi ĐT Việt Nam bởi vấn đề cốt lõi dưới thời HLV Troussier là lối chơi không mảng miếng chiến thuật. Đây là lúc mà tinh thần cần phải được đặt lên hàng đầu!
Để thua Indonesia ở trận lượt đi, ĐT Việt Nam đã tự đẩy mình vào thế khó trong cuộc đua giành vé dự vòng loại thứ 3 World Cup 2026. Thay vì ung dung tại Mỹ Đình, thầy trò Philippe Troussier buộc phải đánh bại Indonesia ở màn tái đấu tối mai để giành lại ưu thế và nắm quyền tự quyết khi bước vào 2 lượt trận hạ màn.


NHM chỉ trích HLV Troussier vì không dùng Quang Hải ở trận lượt đi

Với mục tiêu đó, tấn công dĩ nhiên sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu của ĐT Việt Nam. Vấn đề đáng bàn là ở trận lượt đi, hàng công của ĐT Việt Nam thi đấu rất thất vọng. Trong suốt 90 phút thi đấu, các học trò của Troussier chỉ tung ra 2 cú dứt điểm và đều không trúng đích.

Trước đó, ở vòng bảng Asian Cup 2023, ĐT Việt Nam cũng chơi tấn công kém hiệu quả khi đối đầu Indonesia. Khi đó, đoàn quân của Troussier tung ra 11 cú dứt điểm nhưng chỉ 3 lần đưa bóng trúng đích. Số cơ hội mà Việt Nam tạo ra ít hơn hẳn so với Indonesia.

Truyền thông và NHM Việt Nam đang bàn quá nhiều về cách dùng người của HLV Troussier. Phần lớn đều cho rằng ông đã sai lầm khi trao cơ hội đá chính cho Mạnh Dũng và Đình Bắc, trong khi Tiến Linh và Văn Toàn phải ngồi dự bị. Đáng nói hơn, Quang Hải không được HLV Troussier sử dụng dù ĐT Việt Nam rơi vào thế bị dẫn bàn.

E rằng đó là chuyện “đếm cua trong lỗ” bởi chẳng ai dám chắc Tiến Linh, Văn Toàn hay Quang Hải sẽ chơi tốt hơn khi được xếp đá chính. Nó cũng giống chuyện NHM từng chỉ trích Troussier vì bỏ rơi Hoàng Đức ở 2 trận mở màn vòng loại thứ 2 hay không dùng Hùng Dũng ở trận thua Indonesia thuộc vòng bảng Asian Cup.

Ở trận đấu vào tối 21/3 vừa qua, Hùng Dũng và Hoàng Đức đều đá chính nhưng cả 2 đều chơi không tốt. ĐT Việt Nam gặp vấn đề ngay ở tuyến giữa và nó dẫn tới lối chơi tấn công cực kì rườm rà, thiếu hiệu quả.

Việc dùng ai, loại ai chỉ là mặt bề ngoài bởi đã qua rồi cái thời ĐT Việt Nam có thể quyết định trận đấu bằng 1 khoảnh khắc ngôi sao như Công Phượng hay Quang Hải trước đây. Hoàng Đức từng được đánh giá cao về tư duy, giờ cũng tầm thường ở V-League, không đủ năng lực dẫn dắt ĐT Việt Nam.

ĐT Việt Nam từng thành công dưới thời HLV Park nhờ nhiều yếu tố, trong đó phải kể tới lối chơi tập thể, phong độ cao của lứa thế hệ vàng và đấu pháp phù hợp, có mảng miếng rõ ràng.


ĐT Việt Nam đang gặp vấn đề ở hệ thống và chiến thuật nên hầu hết các cầu thủ đều chơi dưới kì vọng

Nói như vậy không phải ủng hộ Troussier về việc lựa chọn nhân sự. Mà trái lại, trong suốt 1 năm qua, ĐT Việt Nam của Troussier không có mảng miếng chiến thuật nào trong tấn công. Đó là vấn đề cốt lõi nên dùng ai, bỏ ai gần như không tác động đáng kể. Nếu có, đó chỉ là yếu tố mang tính khoảnh khắc mà thôi.

HLV Park từng rất có duyên với các quyết định thay người vì ông có ý đồ rõ rệt, định hướng lối chơi cụ thể. Các cầu thủ cứ vậy mà thực thi và hiệu quả đến một cách tự nhiên.

Phải thừa nhận rằng Indonesia đã chủ động chơi rát, tranh chấp rất quyết liệt ngay từ khu vực giữa sân ở trận lượt đi nên ĐT Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Nhưng đâu phải tới bây giờ, Garuda mới áp dụng cách chơi đó. Trước đây, chúng ta từng thoát pressing cực tốt với những pha phối hợp ban bật nhóm nhỏ. Nhưng hiện tại, các tuyển thủ đang thực hiện những đường chuyền vòng quanh không có ý đồ mà HLV Troussier gọi là thứ bóng đá “kiểm soát”.

Nó thể hiện sự bế tắc, cạn ý tưởng hơn là chiến thuật. Đơn giản bởi xét cho cùng, chẳng có ý đồ nào được thực hiện. Khi công cùn, thủ cũng tệ theo là lẽ đương nhiên. Những đường chuyền hỏng của ĐT Việt Nam là cơ hội vàng để Indonesia phản công. Họ chỉ cần như thế…

Quang Hải, Tiến Linh hay Văn Toàn cũng chỉ là 1 mắt xích trong cả 1 hệ thống. Rất khó để tạo nên sự khác biệt khi hệ thống và lối chơi của ĐT Việt Nam đang gặp vấn đề. Có chăng, họ hơn các đàn em về kinh nghiệm trận mạc. Nhưng ở thời điểm mà Indonesia đã nhập tịch hàng loạt cầu thủ có kĩ chiến thuật tốt, kinh nghiệm chỉ mang ý nghĩa tương đối.

Nói như vậy, không có nghĩa ĐT Việt Nam không có cửa hạ Indonesia ở trận chiến tối mai. Yếu tố quan trọng nhất với đoàn quân áo đỏ khi bước vào trận chiến này là tinh thần màu cờ sắc áo và sự phản kháng mãnh liệt sau 2 trận thua Indonesia liên tiếp. Ngoài mục tiêu, đây còn là trận chiến của danh dự. Họ phải chứng minh rằng mình đang đại diện cho màu áo quốc gia.

Nếu cần minh chứng cho sự bất khuất của tinh thần, BHL ĐT Việt Nam nên cho các cầu thủ xem lại trận lượt về bán kết AFF Cup 2016 tại sân Mỹ Đình. Khi đó, ĐT Việt Nam để thua 1-2 ở lượt đi, bị dẫn bàn ở lượt về và chơi thiếu người, phải dùng thủ môn bất đắc dĩ. Nhưng chỉ trong 10 phút cuối trận, ĐT Việt Nam đã lật ngược thế cờ, đưa trận bán kết vào hiệp phụ.


Đây là lúc ĐT Việt Nam cần thể hiện tinh thần như trận lượt về bán kết AFF Cup 2016 với Indonesia

Dù thua chung cuộc nhưng ĐT Việt Nam đã thể hiện ý chí mạnh mẽ. NHM đâu thể quay lưng với tinh thần như vậy! Và đây cũng là minh chứng cho thấy rằng Mỹ Đình đáng sợ thế nào với đội bóng xứ vạn đảo. Họ đã gần 20 năm nay không thể thắng tại sân đấu này.

Ra sân với tinh thần mạnh mẽ và sức ép lớn, 1 đội bóng dù gặp vấn đề về hệ thống và lối chơi vẫn có thể khiến đối thủ mắc sai lầm. Indonesia đã thay đổi khá lớn với dàn sao nhập tịch nhưng chưa hẳn là tập thể quá xuất sắc. Bỏ qua vấn đề về chuyên môn, các tuyển thủ có thể đang gặp vấn đề về sức ì do đã để thua quá nhiều dưới thời Troussier.

Nói như Troussier, hơn 80% CĐV muốn ĐT Việt Nam thất bại để ông bị sa thải. Không! NHM có thể tẩy chay Troussier nhưng không tệ đến mức muốn đội bóng của mình thất bại. Tinh thần dân tộc không phải là thứ có thể mang ra đùa cợt.

Mỹ Đình đã sẵn sàng thắp lửa, vấn đề còn lại thuộc về các tuyển thủ. Họ đã trải qua nhiều năm đỉnh cao, không thể dễ dàng gục ngã trước đối thủ với hơn nửa đội hình gốc Âu. Hãy bỏ qua trận lượt đi và coi trận lượt về là 1 cuộc chiến mới. Hãy bỏ qua tương lai của Troussier bởi kết quả thắng thua sẽ tự đưa ra câu trả lời…

Hoàng Hà
Hãy đánh giá bài báo
Bình luận của độc giả
Hãy tham gia đóng góp ý kiến, bình luận cho bài báo này!
Để tham gia đóng góp ý kiến, bình luận bài báo, hãy đăng ký thành viên!