Tin tức

FIFA đề xuất thay đổi lớn về luật đá phạt đền

Thứ năm, 17/07/2025 09:57
Đánh giá
Facebook Twitter Google Myspace
Luật đá phạt đền mới có thể sẽ được LĐBĐ thế giới (FIFA) áp dụng ở VCK World Cup 2026.

Theo đề xuất, các cầu thủ không được đá bồi trên chấm phạt đền sau khi bóng bật ra

Luật đá phạt đền hiện tại đã tồn tại 134 năm kể từ lần đầu được áp dụng vào năm 1891. Hội đồng Liên đoàn bóng đá quốc tế (IFAB), cơ quan soạn thảo luật bóng đá, đã nhiều lần điều chỉnh và sửa đổi để phù hợp với thời đại song luật về cơ bản không có sự thay đổi quá lớn.

Với luật hiện tại, cầu thủ của đội tấn công có thể đá bồi để ghi bàn sau khi bóng bật ra (thủ môn đẩy hoặc bóng chạm khung thành). Nhưng nếu đề xuất mới được thông qua, những cú đá bồi sẽ không còn hợp lệ.

Mọi thay đổi về luật đều phải được IFAB chấp thuận. Nhưng hiện tại, ngày càng nhiều quan điểm ủng hộ luật đá phạt đền mới do FIFA đề xuất.

Các quả phạt đền hiện tại mang lại cho đội tấn công cơ hội ghi bàn nhiều hơn, đặc biệt khi các cầu thủ của đội tấn công được phép đá bồi sau khi bóng bật ra. Theo các chuyên gia, đây là lợi thế không công bằng.

Lập luận khác cho rằng luật mới nếu được áp dụng (đá phạt đền 1 lần) sẽ chấm dứt mọi tranh cãi về việc cầu thủ xâm nhập vòng cấm trước khi cú đá phạt đền được thực hiện. Luật mới nếu được áp dụng về cơ bản sẽ biến những cú đá phạt đền thành cú đá 11m trên loạt đấu súng.


Nếu luật mới được áp dụng, bàn thắng của Kane vào lưới Đan Mạch ở EURO 2020 sẽ không được tính

Theo đề xuất của FIFA, các cầu thủ của đội tấn công chỉ được thực hiện cú sút 1 lần trên chấm phạt đền. Nếu bàn thắng được ghi, bóng sẽ được đặt ở giữa sân (giao bóng). Nếu không có bàn thắng, đội bóng vừa bị thổi phạt đền sẽ được giao bóng bất kể thủ môn có đẩy bóng ra ngoài sân hay không.

Thay đổi luật đá phạt đền đang được thảo luận ở cấp độ cao nhất khi các nhà lãnh đạo đang muốn cải thiện luật chơi trước VCK FIFA World Cup 2026. Luật mới phải được thông qua trước cuối tháng 2/2026 để có hiệu lực ở giải đấu vào mùa hè năm sau.

Ngoài ra, FIFA và các lãnh đạo bóng đá thế giới cũng thảo luận về việc mở rộng phạm vi can thiệp của VAR. Theo đó, trọng tài VAR có thể can thiệp, để xuất các quyết định bị hủy bỏ với thẻ vàng thứ 2 hoặc phạt góc nếu trọng tài trên sân mắc lỗi rõ ràng.

Thành Nam
Hãy đánh giá bài báo
Bình luận của độc giả
Hãy tham gia đóng góp ý kiến, bình luận cho bài báo này!
Để tham gia đóng góp ý kiến, bình luận bài báo, hãy đăng ký thành viên!