Tin tức

BÌNH LUẬN: HLV Troussier nói đúng!

Thứ năm, 18/05/2023 14:30
Đánh giá (15/3)
Facebook Twitter Google Myspace
Với quyết định từ chối để đội U23 dự ASIAD 19 và quan điểm rõ ràng tại SEA Games, HLV Philippe Troussier đã gợi mở hướng đi mới cho bóng đá Việt Nam.

U22 Việt Nam không thể vượt qua áp lực giành vàng ở SEA Games 32 khi trải nghiệm còn hạn chế

U22 Việt Nam đã không thể bảo vệ tấm HCV bóng đá nam SEA Games do để thua U22 Indonesia ở bán kết. Với nhiều người, đây là thất bại trong khoảnh khắc, mang tính thiếu may mắn. Nhưng về mặt kết quả, đây là bước lùi, đặc biệt khi so sánh với 2 kì SEA Games rất thành công cùng HLV Park Hang-seo.

Thắng thì tung hô, thua thì chỉ trích! Đó là quy luật, xảy ra với mọi nền bóng đá, không chỉ riêng ở Việt Nam. Mỗi người đều có một quan điểm riêng. Tuy nhiên, sẽ là khiên cưỡng nếu so sánh SEA Games 32 với 2 kì đại hội thành công trước đó dưới thời HLV Park Hang-seo.

Sau nhiều năm, SEA Games 32 đã bỏ quy định cho phép các đội tuyển bóng đá nam được bổ sung cầu thủ quá tuổi. Đây thực sự là thách thức với U22 Việt Nam bởi vấn đề chính là kinh nghiệm.

Đây là điều đã được HLV Philippe Troussier nói tới sau trận tranh HCĐ với U22 Myanmar. Ông khẳng định U22 Việt Nam không kém các đối thủ ở SEA Games 32 về trình độ nhưng thiếu kinh nghiệm trận mạc và yếu bản lĩnh ở những trận đánh lớn. Chúng ta có thể nhận rõ vấn đề này qua các trận đấu của U22 Việt Nam trên đất Campuchia.

Hãy nhìn lại SEA Games 30, thời điểm bóng đá nam Việt Nam giành tấm HCV lịch sử. Khi đó, HLV Park sở hữu rất nhiều cầu thủ giàu kinh nghiệm trận mạc trong đội hình như Văn Hậu, Tấn Tài, Đức Chinh, Thành Chung, Quang Hải, Tiến Linh… Đó là chưa kể 2 cầu thủ quá tuổi được bổ sung là Trọng Hoàng và Hùng Dũng. Nhiều cầu thủ đã có kinh nghiệm thực chiến ở giải đấu hàng đầu thế giới là U20 FIFA World Cup 2017.

Thực tế, sau SEA Games 30, đã có khoảng trống lớn xuất hiện. U22 Việt Nam không sở hữu nhiều cầu thủ kinh nghiệm. Nhưng cũng may, điều đó đã được khắc phục ít nhiều bằng việc bổ sung 3 cầu thủ quá tuổi từ ĐTQG là Hoàng Đức, Hùng Dũng và Tiến Linh. Và ở giải đấu tại sân nhà, U23 +3 của HLV Park phải rất nhọc nhằn mới bảo vệ thành công tấm HCV.

Nhưng đến SEA Games 32, vấn đề của bóng đá Việt Nam đã lộ diện. Tất nhiên, quy định của chủ nhà Campuchia làm khó ta, khó người. Nhưng so với U22 Việt Nam, các đối thủ cạnh tranh HCV như Indonesia hay Thái Lan sở hữu nhiều cầu thủ giàu kinh nghiệm.

Với U22 Indonesia, họ mang tới SEA Games 32 lực lượng hùng hậu với nhiều cầu thủ có thâm niêm "ăn cơm tuyển", thậm chí là trụ cột ĐTQG. Trong khi đó, lứa trẻ của U22 Thái Lan cũng thường xuyên được trải nghiệm ở sân chơi Thai-League. Đây là yếu tố rất quan trọng.


Những cầu thủ trẻ của Việt Nam cần kinh nghiệm thực chiến để trở thành trụ cột ĐTQG sau này

Còn U22 Việt Nam thì sao? Phần lớn các cầu thủ không có cơ hội ra sân trải nghiệm ở V-League. Nhiều cầu thủ thậm chí vẫn đang thi đấu ở giải hạng nhất, chưa được thi đấu ở môi trường khốc liệt nhất. Kinh nghiệm thực chiến và bản lĩnh ở đâu?

Vậy nên, hãy xem tấm HCĐ SEA Games 32 là kết quả tốt. Đặc biệt, với màn trình diễn tiến bộ qua từng trận đấu của U22 Việt Nam trên đất Campuchia, NHM có thể hài lòng. Không thể lấy 2 tấm HCV ở 2 kì SEA Games gần nhất để đặt nặng thành tích. Rất khó để thống trị 1 giải đấu khi chưa tạo ra một nền tảng phát triển bóng đá bài bản.

Chỉ sau ít tháng nắm quyền nhưng HLV Troussier đã nhận rõ vấn đề của bóng đá Việt Nam. Ông cũng từng làm công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam nên chẳng còn lạ lẫm. Nhà cầm quân người Pháp không chỉ nói miệng mà ông đã bắt tay vào chiến lược mang tầm nhìn xa hơn.

Đầu tiên, phải kể tới quyết định để đội U20 tham dự ASIAD 19 tại Trung Quốc vào tháng 9 tới. Thực tế, HLV Troussier có thể dùng đội U22 vừa đá SEA Games, bổ sung cầu thủ U23 và 3 cầu thủ quá tuổi để quyết chiến ở ASIAD. Nhưng vì tương lai lâu dài, ông muốn các cầu thủ trẻ U20 tích lũy kinh nghiệm thực chiến ở các sân chơi hàng đầu châu lục.

Thực ra, đây cũng là giải pháp được nhiều nền bóng đá hàng đầu châu Á lựa chọn. Quan điểm của HLV Troussier khác Park Hang-seo, người đã sử dụng đội hình gần như tốt nhất ở ASIAD 18 và đã vào tới bán kết. Lứa cầu thủ đó sau này đã trở thành trụ cột ở ĐTQG. Nhưng sau đó là khoảng trống khá lớn…

Quyết định trên của HLV Troussier cũng giải quyết một bài toán khác là sự hài hòa lợi ích giữa các đội tuyển quốc gia và CLB. V-League mùa này đã nhiều lần phải gián đoạn vì các đợt tập trung khác nhau. Khi giải VĐQG bị ảnh hưởng, ĐTQG cũng bị ảnh hưởng. Đây là quan điểm tích cực, đáng được ghi nhận của nhà cầm quân người Pháp.


HLV Troussier đã nói và làm với tầm nhìn dài hơi cho bóng đá Việt Nam

“Tôi nghĩ các đội tuyển cũng cần nghĩ đến lợi ích của các CLB, sao cho tất cả hài hòa. Không thể để các giải đấu chuyên nghiệp trong nước ngắt quãng liên tục để phục vụ ĐTQG. Tôi muốn xây dựng ĐTQG dựa trên nền tảng là các CLB. Khi các CLB mạnh, giải VĐQG mạnh thì các ĐTQG cũng sẽ mạnh mẽ hơn”, HLV Troussier chia sẻ quan điểm.

Cách nói và làm của HLV Troussier đã thể hiện rõ chiến lược lâu dài. Cái đích cuối cùng của ông vẫn là ĐTQG. Đây cũng là hướng phát triển của các nền bóng đá tiên tiến.

Ở châu Âu hay các cường quốc bóng đá châu Á, các cầu thủ đã lên ĐTQG hầu hết sẽ không được triệu tập ở lứa trẻ. Thay vào đó, họ sẽ trao cơ hội để các lứa trẻ hơn tích lũy kinh nghiệm để trưởng thành.

Thay vì chỉ tạo ra 1 lứa thế hệ, bóng đá Việt Nam cần nhiều đợt sóng. Các đợt sóng nối tiếp sẽ tạo ra con sóng lớn. Đấy mới thực sự là chiến lược bền vững để hướng tới những mục tiêu cao xa hơn.

SEA Games là sân chơi lớn của khu vực nhưng không phải đích đến. Quan điểm của HLV Troussier chính là sự gợi mở để bóng đá Việt Nam cải tổ theo hướng tích cực hơn!

Hoàng Hà
Hãy đánh giá bài báo
Bình luận của độc giả
Hãy tham gia đóng góp ý kiến, bình luận cho bài báo này!
Để tham gia đóng góp ý kiến, bình luận bài báo, hãy đăng ký thành viên!